HOTLINE: (08) 66 878 666

user_mobilelogo

(TBKTSG Online) – Theo các tiêu chí về nền kinh tế thị trường mà phía EU đưa ra thì Việt Nam mới chỉ đáp ứng được đầy đủ 1 trên 5 tiêu chí, theo Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.

t5

Thủy sản là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi từ FTA VN EU - Ảnh: TL


Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, nói với báo chí hôm nay 7-12, tại Hà Nội rằng EU có những tiêu chí nhất định để công nhận một nền kinh tế thị trường và trong số các tiêu chí này, Việt Nam đã đạt được đầy đủ một tiêu chí.


Ông Bruno Angelet cho biết thêm, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa EU và Việt Nam đã đưa ra lộ trình và định hướng rõ ràng để cải thiện nền kinh tế ở Việt Nam, đồng thời phía EU sẽ có những hỗ trợ cần thiết cho Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi và để tiến tới công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Song, theo ông Trưởng phái đoàn EU, việc ký kết FTA Việt Nam-EU không đồng nghĩa với việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.


“Chúng tôi sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam để có những hỗ trợ cần thiết trong quá trình Việt Nam chuyển đổi và cải thiện tình hình, tiến tới được EU công nhận là nền kinh tế thị trường”, ông đại sứ nói.


Theo Phái đoàn EU, để được công nhận là nền kinh tế thị trường, các quốc gia phải đạt được 5 tiêu chí. Thứ nhất, mức độ ảnh hưởng của chính phủ trong việc phân bổ các nguồn lực và các quyết định của doanh nghiệp. Đây là tiêu chí mà Việt Nam đã thực hiện được đầy đủ.


Bốn tiêu chí còn lại gồm: (i) Không có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp; (ii) Quản trị doanh nghiệp, kế toán và kiểm toán; (iii) Sự tồn tại và thực thi một chế độ pháp lý, tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ, phá sản và cạnh tranh cũng như các hệ thống tư pháp; (iv) Lĩnh vực tài chính của Việt Nam.


Cũng theo thông tin từ buổi gặp gỡ báo chí, Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmstrom nói rằng FTA giữa EU và Việt Nam, ngoài việc mở cửa một thị trường với tiềm năng to lớn đối với các doanh nghiệp EU, còn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh và thông minh hơn. Thỏa thuận thương mại này cũng sẽ rộng mở cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao mới từ cả hai phía, đồng thời được hỗ trợ bởi một hệ thống giải quyết tranh chấp đầu tư tiến bộ.


Ông Bruno Angelet cho hay, Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán FTA nhưng để FTA này có hiệu lực dự kiến phải đến năm 2018. Trong thời gian đó, Việt Nam cần chuẩn bị tốt nhất về nguồn lực, cải cách thể chế, pháp lý để đảm bảo đáp ứng tất cả các điều kiện để hiệp định đi vào thực thi đầy đủ.


Theo cam kết trong FTA, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế với lộ trình của Việt Nam là 10 năm và EU là 7 năm. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.


Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm đảm bảo rằng một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn nhằm giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam.


Với quy mô và tiềm năng phát triển đầu tư của EU, Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU trong khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực của Việt Nam.


Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ,... cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, đảm bảo lợi ích tổng thể, cân bằng. Mặt khác, các cam kết này cũng đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước có liên quan; tuy nhiên về cơ bản việc điều chỉnh này phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam nên về lâu dài sẽ mang lại tác động tích cực đến tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan của đất nước.


EU hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, ngay sau Hoa Kỳ. Đồng thời, nếu như năm 2014, các nhà đầu tư EU chỉ xếp thứ 6 tại Việt Nam thì sang năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 3 về quy mô.

Nguồn: thesaigontime.vn

KIẾN THỨC MỚI

ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

Invalid Input

VIDEO CLIP

HỖ TRỢ ONLINE

tuvanquanli
tuvanquanli
tuvanquanli

MẠNG XÃ HỘI

Số lượt truy cập:
826664